Đạo diễn Lê Văn Kiệt: 'Không buồn vì có nhiều phim bị cấm chiếu'
Đạo diễn Lê Văn Kiệt: 'Không buồn vì có nhiều phim bị cấm chiếu'
Có tới 2 bộ phim bị cấm chiếu, nam đạo diễn Việt kiều cho rằng đó là bài học nhưng bài học này quá đắt với anh.
Trong số các đạo diễn Việt kiều, Lê Văn Kiệt có lẽ là người kín tiếng nhất. Anh ít xuất hiện trong sự kiện, càng hiếm khi trả lời báo chí hay lên tiếng về đứa con tinh thần của mình.
Gặp anh trong ngày ra mắt phim Nữ đại gia, đạo diễn Việt Kiều chia sẻ về những tâm huyết với phim ảnh.
Cái giá quá đắt
- Vừa qua, phim "Nữ đại gia" bị dời ngày khởi chiếu vì Cục điện ảnh yêu cầu cắt sửa. Anh đón nhận thông tin đó như thế nào?
- Tôi chỉ thở dài và lại bắt đầu làm lại. Chắc tôi kinh nghiệm quá với chuyện này rồi (cười lớn). Tôi nghĩ, mình có buồn thì cũng không thay đổi được gì. Với những phim đầu, tôi còn bàng hoàng vì lúc đó kỳ vọng nhiều, còn trẻ, đầy hưng phấn nhưng giờ thì hiểu đó là chuyện bình thường của người làm phim ở Việt Nam.
Không những thế, nhiều ý kiến chỉnh sửa cũng có lý. Dù có chỉnh sửa khá nhiều, kinh phí đẩy cao hơn một chút nhưng không ảnh hưởng đến nội dung.
- Kịch bản "Nữ đại gia" bị sửa nhiều lần, thay đổi liên tục trong 2 năm. Vì sao có sự thay đổi như vậy?
- Dự định ban đầu tôi làm Nữ đại gia là một phim nghệ thuật để đi tham gia các liên hoan phim. Tuy nhiên, khi ra hiện trường thì thấy rằng khó có thể thực hiện được ý đồ của mình. Do vậy, tôi viết lại, chuyển thành phim mang tính thị trường hơn.
Nội dung trước đây nghiêng về yếu tố trả thù thì nội dung của Nữ đại gia hiện tại lại hướng đến tình cảm mẹ con. Điều tôi muốn nhấn mạnh trong phim là quy luật của cuộc sống, hãy thể hiện điều mình muốn, lựa chọn là phải chấp nhận.
- Điều mắc phải của nhiều đạo diễn Việt kiều khi về nước làm phim là chưa hiểu văn hóa Việt. Do đó khi xây dựng nhân vật chưa đúng với tâm lý người Việt Nam, cách kể khó hiểu. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi xác nhận mình bị yếu về điều này. Tôi sống ở nước ngoài nhiều năm, chỉ về nước khi quay phim, ra mắt phim nên không có lợi thế am hiểu cuộc sống như các nhà làm phim trong nước.
Để hạn chế, tôi thường hợp tác với các nhà biên kịch ở Việt Nam trong việc viết kịch bản. Bản thân tôi vẫn tìm hiểu và đọc tài liệu về văn hóa Việt mỗi ngày.
Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng trong một bộ phim còn là cách kể, sự thể hiện kỹ thuật của đạo diễn thế nào. Về khoản này thì tôi tự tin.
- Số phim anh sản xuất ở Việt Nam chưa quá 5 nhưng đã có 2 phim cấm chiếu như: Rừng xác sống, Bẫy cấp ba. Nhiều nhận xét rằng, anh là đạo diễn Việt kiều có nhiều phim cấm chiếu nhất Việt Nam?
- Tôi không biết mọi người đặt cho tôi biệt danh đó. Tôi chỉ biết rằng, từng sản phẩm làm ra, đều được tôi tôn trọng và tâm huyết. Mỗi bộ phim, tôi đều gửi đến khán giả một thông điệp ý nghĩa.
Ví dụ, trong Dịu dàng, tôi muốn nói, mình đừng nên hối hận, thay đổi khi mà trễ quá. Còn Ngôi nhà trong hẻm là vợ chồng thì cần tha thứ và chia sẻ với nhau... Những bộ phim khác cũng thế. Có thể hai bộ phim bị cấm chiếu là do chưa có sự thấu hiểu giữa tôi và Cục điện ảnh.
- Anh có cho rằng, những phim đó là sự thất bại của mình không?
- Tôi không cho rằng nghiêm trọng như thế hoặc cảm thấy tiếc. Tôi hiểu biết về cách làm phim ở Việt Nam. Mình làm phim và còn có người duyệt phim. Tôi coi đây là bài học cho mình, có điều bài học này hơi đắt giá.
Chuyện duyệt phim không chỉ có ở Việt Nam. Ở Hollywood, đạo diễn phải duyệt phim với nhà đầu tư. Nếu không đúng ý người ta thì họ còn không nói chuyện với mình nói gì đến chuyện sản xuất được phim.
Tôi chọn diễn viên thông minh
- Mỗi bộ phim, anh muốn thể hiện cái tôi của mình. Giới làm phim nhận định, do có nhóm bạn thân hỗ trợ kinh phí sản xuất nên anh làm phim vô tư, không lo về chi phí và doanh thu?
- Không có. Làm điện ảnh là đầu tư kinh doanh nên ai cũng phải tính đến chi phí chứ. Tôi may mắn là gặp được những người sản xuất ăn ý.
Họ cũng muốn làm những phim như tôi muốn. Cả hai bên có được tiếng nói chung nên chắc chắn nên sẽ "có phúc cùng hưởng có họa cùng chia".
- Anh và ê-kíp sản xuất của anh Trần Trọng Dần gắn bó nhiều năm nay. Còn diễn viên thì hình như anh thường hợp tác với diễn viên Việt kiều? Vì sao vậy?
- Tiêu chí chọn diễn viên của tôi là những người thông minh. Thông minh thì họ sẽ tự giải quyết, tự lo, sẽ làm cho việc của mình nhẹ nhàng hơn. Họ cũng sẽ biết ý, tìm hiểu, không làm biếng khi khó khăn, không coi thường. Căn bản là họ muốn làm chứ không hẳn làm vì nhiệm vụ.
Nhiều người hỏi tôi, tại sao không gắn bó với diễn viên nào đó. Tôi không viết kịch bản cho diễn viên nào. Tôi viết kịch bản trước, sau đó thấy ai hợp thì mời. Diễn viên phải hợp vai, chứ không nhất thiết phải là ngôi sao. Tôi không nghĩ cứ có ngôi sao là đảm bảo doanh thu hay bộ phim sẽ hay.
- Chị Nguyễn Cao Kỳ Duyên lần đầu đóng phim, gây cho anh những khó khăn gì?
- Lần đầu đóng phim thì tốt chứ vì chị chưa học được những cái xấu của người diễn viên.
Chị ấy chưa đóng phim nhưng đã ở trên sân khấu 25 năm rồi nên rất giàu kinh nghiệm, biết được tâm lý khán giả muốn như thế nào. Nhiều cảnh tâm lý, chị ấy đã chạm đến trái tim của tôi.
Nhận xét
Đăng nhận xét