Những chi tiết thú vị ẩn giấu trong bộ phim ‘Captain America 3’


Những chi tiết thú vị ẩn giấu trong bộ phim ‘Captain America 3’


(Giaitri24gio.net) - Homecoming (Về nhà): Một trong mười từ khóa tiếng Nga để “đánh thức” Winter Soldier trong phim là “Homecoming”. Đây cũng chính là tựa đề của bộ phim riêng về Spider-Man do Marvel Studios, Sony và Disney hợp tác sản xuất, dự kiến ra mắt mùa hè 2017. Ngoài ra, các từ khóa “one” (một), “nine” (chín) và “seventeen” (mười bảy) được cho là nhằm ám chỉ năm sinh 1917 của Steve Rogers/Captain America.

Bài phát biểu của Sharon Carter: Bài diễn văn đến từ cô cháu gái của Peggy Carter tại đám tang bà được trích dẫn từ lời phát biểu của Captain America trong bộ truyện The Amazing Spider-Man: Civil War do J. Michael Straczynski sáng tác. Đó là: “Báo chí, chính trị gia hay đám đông nói gì không quan trọng. Quyết định biến điều sai trái thành đúng đắn của cả một đất nước cũng không quan trọng. Quốc gia này được sáng lập bởi một nguyên tắc tối thượng: chúng ta phải đứng lên vì điều mà mình tin tưởng, dù khó khăn hay hậu quả có là gì đi chăng nữa. Khi đám đông, báo chí, hay cả thế giới nói rằng bạn phải xê dịch, hãy cứ đứng vững bên cạnh sự thật, và nói với cả thế giới rằng - ‘Không, chính các người mới phải xê dịch’”.

Những chi tiết thú vị ẩn giấu trong bộ phim ‘Captain America 3’

Trang phục của Người Nhện: Trái với những phiên bản Spider-Man trước, Peter Parker của Tom Holland nhận được sự hỗ trợ về mặt công nghệ từ Tony Stark. Bộ đồ do cậu tự làm bị Người Sắt chế giễu vì quá thô sơ và kệch cỡm. Nhưng đến trận chiến ở sân bay, Peter Parker đã có bộ trang phục hoàn chỉnh hơn và gửi lời cảm ơn đến Tony Stark. Nó được lấy cảm hứng từ những bức vẽ của hai nghệ sĩ Steve Ditko và John Romita, với biểu tượng con nhện trên ngực.

Redwing: Chiếc máy bay do thám mini được Falcon sử dụng trong phim thực chất là mô phỏng theo một chú chim thật ở nguyên tác. Chú chim họa mi mang tên Redwing trong truyện tranh có khả năng giao tiếp với Falcon nhờ tác động của khối Cosmic Cube. Còn trên màn ảnh, nó biến thành một dạng máy bay không người lái, có khả năng do thám và tấn công đối phương giúp Falcon.

Hulk đang ở đâu?: Sau khi hối hận bởi không thể kiểm soát bản thân, Người Khổng lồ Xanh rời bỏ nhóm Avengers ở đoạn kết Avengers: Age of Ultron (2015). Khi tướng Ross trình chiếu đoạn băng ghi lại thảm họa do nhóm siêu anh hùng gây ra tại New York, hình ảnh hiện lên chính là khi Hulk đang đập phá hàng loạt tòa nhà cao tầng. Ông chất vấn Captain America về hai cá nhân trong nhóm là Thor và Hulk. Theo tiết lộ của nhà sản xuất, họ sẽ cùng nhau xuất hiện ở tập phim Thor: Ragnarok, dự kiến ra mắt tháng 11/2017.

Bucky Barnes không phải Chiến binh Mùa Đông duy nhất: Có ít nhất năm người khác cũng bị tiêm huyết thanh và biến thành siêu chiến binh lợi hại giống như Bucky. Sau đó, chính nhân vật phải rất khó khăn mới có thể bắt giam và đóng băng chúng tại căn cứ ở Siberia, Nga. Chi tiết được rút ra từ bộ truyện Winter Soldier của tác giả Ed Brubaker và trở thành nền tảng cho ba tập phim điện ảnh Captain America.

F.R.I.D.A.Y.: Thay vì chất giọng Anh trầm ấm của J.A.R.V.I.S. (nay đã trở thành Vision), kể từ cuối tậpAge of Ultron, người xem được làm quen với hệ điều hành mới do Tony Stark sáng tạo mang tên F.R.I.D.A.Y. Khi “cô nàng” cắc cớ hỏi ông chủ tưởng tượng ra sao về mình, Người Sắt trả lời rằng anh nghĩ cô sở hữu mái tóc đỏ. Quả thực trong truyện tranh, khi được “nhân hóa” thành hình dạng con người, F.R.I.D.A.Y. là hình ảnh một phụ nữ có tóc đỏ. Nhưng sâu xa hơn, đây chính là hình ảnh quen thuộc của Pepper Potts, người phụ nữ mà Tony Stark rất yêu nhưng đang có nhiều bất đồng quan điểm với anh.

The Raft: Nhóm siêu anh hùng ủng hộ Captain America sau khi giữ chân Iron Man tại nước Đức đều bị bắt giữ và tạm giam tại The Raft - nhà tù nghiêm ngặt nằm bên dưới mực nước biển. Địa danh từng xuất hiện trong loạt truyện về Người Nhện và rất quen thuộc đối với các fan của Marvel bởi nó từng là nơi giam cầm nhiều siêu tội phạm khét tiếng như Doctor Doom, Baron Zemo, Crossbones…

Kế hoạch “thất bại” của Zemo: Nhiều người đánh giá cao phần thể hiện của Daniel Bruhl trong vai Helmut Zemo - kẻ phản diện có nội tâm và mục đích rõ ràng. Dù ở cuối phim, hắn bị bắt giam thay vì tự sát thành công, trông Zemo vẫn khá ung dung khi bị chế giễu và còn đáp trả rằng: “Liệu kế hoạch của tôi có thực sự thất bại hay không?”. Ở nguyên tác truyện tranh, nhân vật sau này lập nên nhóm ác nhân mang tên Master of Evil. Tuy nhiên, với khả năng hạn chế hơn trên màn bạc, nhiều khả năng Zemo sẽ trở thành trợ thủ cho Thanos ở hai tập Avengers: Infinity War.

D23: Trên chiếc lồng kính giam giữ Bucky Barnes khi anh mới bị Black Panther cùng lực lượng chính phủ bắt gọn có ký hiệu D và 23. Fan của “Nhà Chuột” hẳn không cảm thấy xa lạ với cụm ký hiệu đó bởi D23 là tên gọi fan club Disney, và 1923 là năm mà ngài Walt Disney sáng lập ra studio lừng danh.

Mối quan hệ lãng mạn giữa Vision và Scarlet Witch: Không phải chuyện tình nào trong truyện tranh cũng được đưa lên phim (như Bucky Barnes với Black Widow). Nhưng Vision và Scarlett Witch thì khá may mắn. “Cô phù thủy nhỏ” từng được “chàng trai hai ngày tuổi” cứu sống trong trận chiến tại Sokovia ở Age of Ultron. Đến Civil War, dù không phải là con người thực sự, Vision tỏ ra rất chiều chuộng Wanda khi mày mò nấu ăn cho cô và bảo vệ người đẹp ngay cả khi họ thuộc hai phe đối lập.
 
Dot là ai?: Trong câu chuyện phiếm giữa hai người bạn cũ, Steve Rogers và Bucky Barnes, họ nhắc đến cô nhân tình thời chiến của Winter Soldier: Dolores, hay còn gọi là Dot. Đó có thể là một cái tên ngẫu nhiên. Nhưng các fan của loạt phim truyền hình Agent Carter nghi ngờ rằng đây chính là cô nàng sát thủ Dottie Underwood người Liên Xô từng xuất hiện trên màn ảnh nhỏ.

Sân bay Leipzig-Halle: Dù Sokovia hay Wakanda là các quốc gia hư cấu, Leipzig-Halle lại là sân bay có thật tại nước Đức. Đây có thể là mối liên hệ ngầm giữa nhân vật Zemo trong phim (sinh ra ở Sokovia) với Zemo trong truyện tranh (sinh ra tại Leipzig, Đức).

Star Wars: Thương hiệu Chiến tranh giữa các vì sao và các phim Marvel hiện đều do Disney phát hành. Do đó, không ngạc nhiên khi nhiều tác phẩm điện ảnh siêu anh hùng chứa đựng tình tiết ẩn dụ liên quan tới Star Wars. Điển hình nhất là chi tiết “mất một cánh tay” mà bất cứ phim nào thuộc Kỷ nguyên Anh hùng II (Phase II) đều có và nay được kéo dài sang Civil War (với Bucky Barnes), như lời tri ân người hùng Luke Skywalker bị cụt tay trong Star Wars: Episode V - The Empire Strikes Back (1980). Ngoài ra, khi chuẩn bị hạ Ant-Man, Spider-Man cũng đùa giỡn đối thủ bằng một số tình tiết trong tập phim Star Wars tương tự.

Bucky lại “mượn” khiên Captain America: Ở nguyên tác truyện tranh, sau khi Steve Rogers qua đời, Bucky Barnes là người kế tục chiếc khiên vibranium. Người hâm mộ dự đoán điều đó sẽ sớm xảy ra trên màn ảnh, bởi Sebastian Stan còn phải tham gia 6 phim nữa của Marvel, còn con số của Chris Evans chỉ là một phim. Trên thực tế, ở cả ba tập phim Captain America, nhân vật Bucky Barnes/Winter Soldier đều có cơ hội chạm vào hoặc sử dụng chiếc khiên huyền thoại.

Những hình ảnh gợi nhắc: Tư thế đối đầu giữa hai siêu anh hùng Captain America và Iron Man ở cuối phim giống như bước ra từ những trang truyện tranh. Trong khi đó, hình ảnh Ant-Man nằm trên mũi tên của Hawkeye từng xuất hiện trên bìa tập Avengers #223. Cuối cùng, chiếc khiên vibranium bị Black Panther cào xước hẳn khá giống với tình huống dành cho Cap trong bộ truyện Captain America Annual 8.

The Manchurian Candidate: Đó là biệt danh Tony Stark dùng để gọi Bucky Barnes ngay trước khi anh biết sự thật rằng Winter Soldier chính là người đã sát hại cha mẹ mình. The Manchurian Candidate là tên bộ phim nổi tiếng năm 1962 và từng được làm lại vào năm 2004. Chuyện phim kể về các binh lính Mỹ bị Liên Xô bắt cóc, tẩy não và biến thành sát thủ chuyên nghiệp.

Các vai diễn khách mời: Như th ường lệ, Stan Lee - “cha đẻ” của dòng truyện tranh Marvel, lại góp mặt với hình ảnh hài hước trong vài giây ngắn ngủi. Lần này, ông sắm vai một nhân viên FedEx đọc nhầm họ của Iron Man từ Stark thành “Stank” (hôi hám). Trong khi đó, danh hài Jim Rash xuất hiện lâu hơn một chút trong vai một giảng viên MIT, người làm phiền Tony Stark với câu hỏi liệu chàng tỷ phú có cam kết tài trợ cho tất cả sinh viên lẫn nhân viên MIT hay không. Cuối cùng, Joe Russo, một trong hai đạo diễn của Civil War, chính là xác chết có râu nằm trong bồn tắm ở gần cuối phim.

Các đoạn phim mid và after-credits: Trái với dự đoán của nhiều người, hai đoạn phim ngắn sau khi Civil War khép lại không có sự xuất hiện của thầy phù thủy tối thượng Doctor Strange. Thay vào đó, người xem được thấy quốc gia hư cấu Wakanda của vua T’Challa/Black Panther khi Captain America đưa Winter Soldier đến đây để ngủ đông và chữa trị; cũng như đoạn phim tiết lộ rằng Spider-Man đã nhận được chiếc máy bắn tơ từ Tony Stark. Lần lượt Spider-Man: Homecoming và Black Panther sẽ ra mắt khán giả vào các năm 2017 và 2018.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tài tử Colin Firth tham gia phim về thảm họa tàu ngầm Kursk

“Sát thủ” Jason Statham cứu Jessica Alba trong “Mechanic: Resurrection”

Phim mới Hàn Quốc: Phim trường học Moorim (Moorim School 2016)