‘X-Men: Apocalyse’ cuốn hút nhờ dàn dị nhân ‘cũ mà mới’
‘X-Men: Apocalyse’ cuốn hút nhờ dàn dị nhân ‘cũ mà mới’
(Giaitri24gio.net) - X-Men: Apocalypse mở đầu bằng bối cảnh thời Ai Cập cổ đại,
khi những “dị nhân” là kẻ mạnh, còn loài người nằm dưới sự thống trị của vị thần
En Sabah Nur/Apocalypse (Oscar Isaac) - người đột biến đầu tiên trong lịch sử
nhân loại.
Nhưng do bị phản bội, Apocalypse phải trải qua giấc ngủ kéo
dài hàng nghìn năm. Gã được đánh thức vào năm 1983, với nỗi thất vọng và sự căm
phẫn khi biết con người lúc này đối đãi rất tệ bạc với chủng loài của mình. Bằng
sức mạnh quyền năng, Apocalypse quyết định thanh tẩy thế giới, xây dựng đế chế
riêng cho người đột biến.
Để làm được điều đó, hắn tập hợp nên nhóm tay chân Tứ Kỵ sĩ,
với các thành viên đều là những dị nhân hùng mạnh: Magneto (Michael
Fassbender), Storm (Alexandra Shipp), Angel (Ben Hardy) và Psylocke (Olivia
Munn). Song, không phải dị nhân nào cũng muốn chiến tranh, tiêu diệt loài người.
Điển hình là Charles Xavier (James McAvoy) cùng các học viên trong trường
X-Men.
Giáo sư X vẫn giữ vững hoài bão xây dựng tương lai tươi
sáng, nơi con người và người đột biến chung sống trong hòa thuận. Bất đồng lý
tưởng khiến hai phe dị nhân đối đầu nhau mà kết quả của nó sẽ quyết định vận mệnh
Trái đất.
X-Men: Apocalypse chịu sức ép không nhỏ trước giờ ra rạp, bởi
hai tập phim First Class (2011) và Days of Future Past (2014) đều rất thành
công, được cả giới phê bình lẫn công chúng đánh giá cao.
Giữ đúng lời hứa ban đầu, đạo diễn Bryan Singer tránh sa đà
vào mối quan hệ bạn - thù phức tạp giữa Giáo sư X và Magneto như các tập phim gần
đây. Thay vào đó, ông giới thiệu tới khán giả hàng loạt nhân vật X-Men quen thuộc,
như Cyclops, Storm hay Jean Grey…
Điều lạ là đây đều là phiên bản trẻ tuổi của các nhân vật,
không còn do các ngôi sao cũ như Halle Berry hay Famke Janssen đảm nhận nữa.
Ngoài trận chiến giữa các dị nhân, X-Men: Apocalyse còn khéo
léo xây dựng cảm xúc thông qua việc khắc họa cuộc sống riêng tư cho từng nhân vật.
Phim cố gắng giải thích nhiều thắc mắc nảy sinh từ trailer của fan, như Scott
Summers (Tye Sheridan) khám phá sức mạnh rồi trở thành Cyclops ra sao? Chuyện
tình giữa cậu và Jean Grey (Sophie Turner) xuất phất thế nào? Hay vì sao
Charles Xavier không còn tóc nữa?
Cũng phải kể đến sự trở lại của Quicksilver (Evan Peters),
chàng dị nhân trẻ sở hữu khả năng chạy với vận tốc siêu thanh từng chiếm trọn
trái tim khán giả ở tập trước.
Trong Apocalypse, “cậu con rơi” của Magneto tiếp tục là “cây
hài” nhờ phân cảnh slow-motion kéo dài trên nền nhạc sôi động của ca khúc Sweet
Dreams (Are Made of This). Quicksilver cũng có nhiều đất diễn hơn, và nay trở
thành thành viên quan trọng của nhóm X-Men trong trận chiến chống Apocalypse.
Ngoài ra, dị nhân Nightcrawler (Kodi Smit-McPhee) cũng là
nhân vật hài hước không kém gì Quicksilver. Mang vẻ ngoài “xanh lè” dữ dằn,
nhưng Kurt Wagner thực chất rất ngây thơ, ngờ nghệch và đem đến cho khán giả
nhiều giây phút thú vị.
Ngược lại, nhóm Tứ Kỵ sĩ và “ông trùm” Apocalypse lại tỏ ra
nhạt nhòa, dù được chăm chút kỹ lưỡng về mặt tạo hình. Gã dị nhân đầu tiên
trong lịch sử nhân loại là kẻ mạnh thực sự, nhưng lại chẳng có lấy nổi một khoảnh
khắc nào ấn tượng. Hắn có hành động, nhưng lại nói quá nhiều. Còn những nhân vật
như Psylocke hay Angel thì gần như chẳng có chút lời thoại nào.
Trong nhóm Tứ Kỵ sĩ còn có gương mặt quen thuộc Magneto. Ban
đầu, bộ phim miêu tả qua 10 năm sinh sống ẩn dật của anh sau những sự kiện
trong Days of Future Past. Nhân vật nay sử dụng tên giả, có một gia đình bé nhỏ
với vợ và con gái tại đất nước Ba Lan. Song, hạnh phúc đó không kéo dài bao lâu
và khiến Magneto đến đầu quân cho Apocalypse.
Khi X2 ra mắt năm 2003, người ta thấy choáng ngợp bởi màn xuất
hiện của Nightcrawler ở nhiệm vụ ám sát Tổng thống Mỹ. Suốt từ đó tới nay, các
pha hành động kỹ xảo đẹp mắt trở thành một trong những điểm thu hút nhất của
thương hiệu X-Men.
Apocalypse không nằm ngoài quy luật đó. Với công nghệ kỹ xảo
tân tiến, đây có lẽ là tập phim X-Men sở hữu nhiều cảnh phá hoại nhất. Ở cuối
phim, khi hai phe dị nhân bắt đầu xung trận, người xem được chiêu đãi nhiều pha
phối hợp hành động đẹp mắt, oai dũng, với đất diễn được chia hợp lý cho từng
nhân vật trổ tài.
Giống như nhiều tác phẩm điện ảnh dựa trên truyện tranh của
Marvel, X-Men: Apocalypse còn có những màn cameo (khách mời) thú vị và đắt giá.
Đó là Stan Lee và Wolverine.
Đặc biệt, sự xuất hiện của “người chồn” tuy ngắn ngủi, nhưng
lại cực kỳ máu me và bạo lực. Đó giống như màn “chào hàng” ấn tượng cho bộ phim
Wolverine 3 chuẩn bị ra mắt trong năm sau.
Không thể nói X-Men: Apocalypse là tác phẩm hoàn hảo, hay thậm
chí vượt qua cái bóng của tập First Class. Sự xuất hiện của quá nhiều nhân vật
mới khiến nửa đầu phim hơi vụn vặt, lan man bởi đội ngũ biên kịch muốn giới thiệu
từng người trong số họ đến cho khán giả. Song, với các fan của thương hiệu điện
ảnh đã có 16 năm tuổi, tất cả chắc chắn sẽ hài lòng.
X-Men: Apocalypse khởi chiếu trên toàn quốc từ 20/5.
Nhận xét
Đăng nhận xét